LƯỢC SỬ NGHỀ DỆT THẢM VIỆT NAM

  Ngày đăng bài: 21/05/2019

  Lượt xem: 4212

  Tác giả: Thảm Len Việt Nam

    Dệt thảm – một loại hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình nghệ thuật cổ điển. Thảm vừa là sản phẩm trang trí, vừa là loại hàng mang tính thực dụng đậm nét. Người ta có thể dùng thảm treo tường như những bức tranh độc đáo, cũng có thể sử dụng thảm trải sàn nhà để chống lạnh, giảm tiếng ồn và tăng thêm vẻ đẹp sang trọng trong mỗi gia đình, tạo ra cảm giác êm nhẹ.

    Thực ra, thảm rất thích hợp với nhu cầu của người dân xứ lạnh. Còn ở nước ta, do có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thảm, nhất là thảm trải sàn chỉ cần thiết trong mùa đông. Chẳng biết có phải do điều kiện khí hậu, thời tiết ấy dẫn đến việc người trong nước ít có nhu cầu dùng thảm, mà trước kia nước ta không phát triển nghề làm thảm? Không ít người đã nói rằng: dệt thảm không phải nghề truyền thống của ta. Có người thận trọng hơn, như Triều Dương, chỉ giới hạn trong phạm vi thảm len. Tác giả Triều Dương, trên ”Văn nghệ” (số 24, năm 1984) khẳng định: ”… Nước ta (chỉ Việt Nam) không có truyền thống dệt thảm len”.

Dệt thảm len tại xưởng Vinacarpet
Dệt thảm len tại xưởng Vinacarpet

    Chúng tôi đồng tình với Triều Dương, bởi vì ”dệt len vốn không phải nghề cổ truyền của ta, hàng len, dạ có xuất xứ từ phương Tây, vậy thì dệt thảm len là nghề mới ở Việt Nam. Song chúng tôi không đồng tình với các nhận định khác, nói trên, vì nghề làm thảm ở Việt Nam đã có từ xa xưa. Đáng tiếc là sử sách không ghi chép đầy đủ: Chúng ta biết được điều đó qua cuốn sách của Từ Minh Thiện, người Trung Quốc, cuốn Thiên Nam hành ký. Trong sách này có viết: Năm 1289, vua Trần gửi tặng vua Nguyên (Trung Quốc) một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu. Từ thông tin chỉ báo ấy cho phép chúng ta có thể hiểu rằng: thời Trần và biết đâu cả thời Hậu Lê đến Lê – Mạc sau đó, thảm gấm được làm ra ngày một nhiều để đáp ứng nhu cầu của vua chúa và quan lại cao cấp của triều đình. Gấm vừa đẹp vừa dày, lại được dệt nhiều ở Hà Đông và vùng ven kinh thành Thăng Long, đủ sức thỏa mãn yêu cầu làm thảm. Thậm chí có thể còn có cả thảm cói nữa, được làm song song với các loại chiếu ở nhiều nơi. Những suy luận ấy tuy có cơ sở cứ liệu, cũng được khảo cứu tường tận. Xin hãy chờ đợi kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học.

Dệt chiếu cói cũng là một hình thức dệt thảm

    Ở nước ta, thảm có nhiều loại. Căn cứ vào nguyên liệu, có các loại thảm: Thảm len, thảm đay, thảm cói, thảm cỏ dừa, thảm bẹ ngô v:v… Nhưng đẹp và giá trị nhất vẫn là thảm len. Căn cứ tác dụng, có thảm treo tường, thảm trải sàn, thảm bình phong.

    Nghề làm thảm len xuất hiện ở Hàng Kênh – Hải Phòng khoảng năm 1930 và đình đốn khoảng năm 1944: Lúc bấy giờ, mỗi năm Hải Phòng xuất sang thị trường Pháp và Hồng Kông  chừng l.000m2 thảm len. Màu sắc, họa tiết, bố cục, quan niệm trang trí của thảm len Hàng Kênh lúc ấy gần như thảm len Trung Quốc – Có thể nói đó là những tấm thảm len Trung Quốc được dệt tại Việt Nam. Tuy cũng đã có một họa sĩ (tốt nghiệp trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) bấy giờ đưa ra mấy mẫu thảm len mới cho cơ sở dệt thảm len Hàng Kênh, nhằm làm nhạt bớt vẻ thảm Tàu của sản phẩm Hàng Kênh, nhưng không được khách hàng chấp nhận do quen dùng thảm kiểu Trung Quốc, chưa dễ thay đổi ngay.

    Năm 1959, nghề dệt thảm len của ta phục hồi sau nhiều năm ngừng trệ.

    Đến những năm 80 của thế kỷ này, trong nước đã có hàng chục cơ sở lớn chuyên sản xuất thảm len, mỗi năm xuất khẩu tới hơn 300 nghìn m2 thảm len các loại sang hơn 20 nước. Thị trường các nước, chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) ưa chuộng thảm len Việt Nam – như lời khen ngợi của các khách hàng có thẩm quyền – bởi sự ”tuyệt diệu về tay nghề và kỹ thuật” của nó.

 Những vị khách Quốc tế với thảm len Việt Nam

    Tại các Hội chợ triển lãm quốc tế ở Lép – dích (Đức) các năm 1968, 1974, 1984 và ở Plô – đíp (Bun-ga-ri) năm 1983, thảm len Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều huy chương vàng.

    Đó là những sự kiện ghi nhận bước phát triển mạnh của nghề dệt thảm ở nước ta, đánh dấu sự có mặt rất vẻ vang của thảm len Việt nam ở nước ngoài. Đó cũng là điều có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với nghề dệt thảm len của ta, vì hầu hết thảm len Việt Nam lúc ấy chỉ có thể tiêu thụ ở nước ngoài, nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, khách sạn, nhà hàng, cơ quan đại diện, văn phòng công ty, gia đình khá giả tăng lên nhanh chóng trong cả nước mà nhu cầu về thảm ở Việt Nam cũng chưa nhiều. Sản phẩm thảm len, cũng như các sản phẩm thêu ren vẫn chủ yếu tiêu thụ bằng con đường xuất khẩu. Do đó, sự biến động chính trị trên thế giới, dẫn đến biến động của thị trường quốc tế có ảnh hưởng rất mạnh đến nghề dệt thảm Việt Nam, Chẳng hạn, do những biến đổi chính thể ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã kéo theo việc hàng loạt hợp đồng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của ta sang các nước ấy bị xóa bỏ, trong đó có hàng thảm các loại. Không ít đơn vị, cơ sở làm thảm có nguy cơ đình đốn, thua lỗ lớn do hàng làm ra phải tồn kho, không tiêu thụ được, hàng vạn thợ bị thất nghiệp… Chính những thành công ngoạn mục của con đường đổi mới, mở của Việt Nam muốn trở thành bạn của tất cả các nước, phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường đã cứu nghề thảm cũng như các nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Thảm Hàng Kênh (Hải Phòng), thảm Đống Đa (Hà Nội), thảm Đại Đồng (Thái Bình nay là Thảm len Việt Nam) v.v… đã tìm được rất nhiều con đường sang các nước, nhất là tới các nước phát triển ở Tây Âu, ở Đông Bắc và Đông Nam Á.

  Ngày đăng bài: 21/05/2019

  Lượt xem: 4213

  Tác giả: Thảm Len Việt Nam


X
X
0972.552.257