NGHỆ THUẬT VÀ KỸ THUẬT DỆT THẢM LEN VIỆT NAM

  Ngày đăng bài: 20/05/2019

  Lượt xem: 2632

  Tác giả: Thảm Len Việt Nam

    Thảm, đặc biệt là thảm len, được coi là một loại hình nghệ thuật đồng thời là một sản phẩm nghệ thuật.

    Là một loại hình nghệ thuật, tự nó đã có sự đòi hỏi một phong cách riêng, tiếng nói riêng của thảm. Hơn nữa, ở từng chất liệu cụ thể, như len, đay, cói, xơ dừa… thì thảm cũng lại có phong cách nghệ thuật và phương pháp kỹ thuật sản xuất không giống nhau.

    Là sản phẩm nghệ thuật, ngoài những yêu cầu về kỹ thuật và thẩm mỹ, thảm nói chung và thảm len nói riêng nhất thiết phải thể hiện được tính dân tộc trong nghệ thuật, nghĩa là phải đậm nét bản sắc dân tộc. Vì vậy, từ nhiều thế kỷ nay, thảm len Ba – Tư (I – Rắc), Trung Quốc, Ấn Độ v.v… đã nổi tiếng trên thế giới và được coi như một bộ phận của nền văn hóa các dân tộc đó.                          

    Trong mấy chục năm nay, thảm Việt Nam đã có tiếng nói riêng trên thế giới. Khách hàng ưa chuộng thảm của chúng ta bởi chất lượng sản phẩm cao, kỹ thuật và tay nghề tinh xảo, phong cách nghệ thuật và màu sắc độc đáo, rất Việt Nam. Khá nhiều mẫu thảm của ta đã đạt mức tiêu biểu về phong cách nghệ thuật của người Việt Nam, không dễ gì có thể hòa trộn lẫn trong các sản phẩm thảm của bất cứ nước nào khác.

    Để có thể khái quát được bức tranh tổng thể về nghệ thuật thảm, nhất là thảm len của ta hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu một số sản phẩm, loại hình thảm chủ yếu, những tìm tòi kiểu mẫu, thể nghiệm và đưa vào sản xuất những mặt hàng mới trong những năm gần đây:

    1) Ngoài những tấm thảm được làm theo mẫu của khách hàng, mang phong cách nghệ thuật trang trí của xứ sở họ (khoảng 30% số lượng thảm xuất khẩu thuộc loại này), những tấm thảm sản xuất theo mẫu của các họa sĩ và nghệ nhân trong nước đều mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Về hình thức nghệ thuật, sản phẩm thảm này đã cố gắng gần gũi với phong cách nghệ thuật dân tộc. Nó được thể hiện trong các họa tiết, bố cục và lập đồ án trang trí từ các nghệ thuật trang trí truyền thống trên những chất liệu khác nhau: văn khắc đá; đồng, gỗ, gốm; văn dệt thổ cẩm, váy áo các dân tộc ít người, trên y phục cổ thêu, trên y môn thờ tự, v.v… Đó là đặc điểm dễ nhận thấy ở loại thảm trải sàn.

Thảm len thiết kế và dệt tại Thảm len Việt Nam, motip hoa văn Trung Quốc

    Ở đây có điểm cần lưu ý, đó là làm sao để thể hiện các loại đồ án trang trí, các họa tiết, hoa văn truyền thống có hiệu quả và sinh động trên thảm? Phần lớn các họa tiết và hoa văn này được rút ra từ trang trí chạm khắc trên chất liệu rắn (đá, đồng, gỗ, gốm…). Chúng vốn phù  hợp với chất liệu cứng rắn, trong các bố cục có hình khối. Điều này buộc các nhà sáng tác mẫu (nghệ nhân và họa sĩ) phải dày công nghiên cứu để có thể đề xuất một lối trang trí thảm mang phong cách và tinh thần thẩm mỹ dân tộc mà không sao chép hoặc nhại lại quá nhiều các họa tiết đã có. Bởi vì chất liệu của thảm len và các loại thảm khác là mềm, xốp – khác hẳn các loại chất liệu cứng rắn. Ngay cả chất liệu tưởng như gần gũi nhau như vải nghi môn và thảm len thì giữa vải và len cũng có một số đặc tính khác hẳn nhau, giữa vải với cói, đay, xơ dừa lại càng khác nhau hơn.

    Đề xuất những mẫu thảm đẹp của Việt Nam là công việc vô cùng khó. Cho nên, trong nhiều năm qua, không ít loại thảm trải sàn của ta không vượt qua được lối trang trí cầu kỳ, dùng quá nhiều màu sắc, gây cảm giác rối mắt và quá tham chi tiết. Vài năm nay, tình hình ấy có giảm đi rõ rệt, do những nỗ lực của các nhà sản xuất và giới nghệ sĩ tạo hình đã đem lại kết quả sau hàng chục năm không ngừng cải tiến, sáng tạo.

    2) Loại thảm treo tường (hầu hết là thảm len):

    Nhiều tấm thảm len treo tường dệt nguyên hình tranh dân gian dệt chân dung hoặc tranh phong cảnh rất hiện đại, dệt theo đúng nguyên mẫu tranh cổ điển (thời Phục Hưng) v.v… Đây thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, hoặc phiên bản các tác phẩm nghê thuật dưới dạng thảm tranh treo tường.

    Sản phẩm thảm len treo tường có những tấm thể hiện tranh dân gian rất quen thuộc:“Hứng dừa”“Đấu vật”, “Đánh ghen”, v.v… của dòng tranh Đông Hồ, hoặc “Chim công”, “Thầy đồ cóc”, “Bịt mắt bắt dꔓChuột vinh quy”, v.v… của tranh Hàng Trống. Lại có những tấm thảm dệt theo mẫu phóng to các chi tiết trong nghệ thuật điêu khắc đình làng, như ”Tiên cưỡi chim”, “Cúc dây Hoa sen”… Cũng có tấm thảm chép lại một tượng Phật, tượng voi, ngựa hay hình ảnh con Rồng (“Lưỡng long chầu nguyệt”) với đường nét không vờn khối.

Tranh thảm bát tiên

    Trong những tấm thảm ”mang đậm màu sắc dân tộc” thuộc các loại hình nghệ thuật kể trên, có lẽ dệt khó nhất, phức tạp nhất là loại mẫu tranh Hàng Trống. Bởi vì, tranh Hàng Trống không chỉ in nét đen khuôn hình, mà còn vờn vẽ màu. Cho nên người thợ kỹ thuật thảm phải tính toán sợi sao cho khi dệt có thể hòa sắc như gam màu trên tranh. Nhưng đó chưa phải là giới hạn cuối cùng.

    Thuộc loại thảm treo tường như đã nói, có các thảm dệt chân dung và tranh nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Những tấm thảm mang tên ”Vịnh Hạ Long”, “Nhà sàn Bác Hồ”, “Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh”, ”Sông Đà”“chân dung Bác Hồ” hoặc theo mẫu tranh Phục Hưng của Neonardo da Vinci,… đã chứng tỏ khả năng của thợ dệt thảm Việt Nam có thể dệt được những tấm thảm thể hiện đề tài phức tạp, có màu sắc hết sức phong phú về sắc độ, nét đậm nhạt và độ chuẩn màu tinh tế nhất. Nó chứng tỏ trình độ kỹ thuật, tay nghề của những người thợ thảm Việt Nam hiện nay rất cao.

    Các nhà sáng tác mẫu thảm đang cố gắng đi tìm một hình thức thích hợp cho mọi loại thảm tranh, để vừa tôn trọng ngôn ngữ thảm vừa gây được mỹ cảm nghệ thuật cho người thưởng thức và sử dụng sản phẩm. Một trong các nhà tạo mẫu thảm có nhiều tìm tòi là họa sĩ Lê Thanh Đức. Ngay từ những năm 80, Lê Thanh Đức đã thành công khi tự chuyển tác phẩm“Dưới chân núi Bài Thơ” (Sơn dầu) của mình sang loại mẫu tranh thảm – Tác giả xử lý tranh trên thảm bằng các mảng màu phẳng đặt cạnh nhau, hoặc lồng vào nhau mà vẫn tạo nên chiều sâu, chiều rộng của không gian. Phương pháp tạo hình này đã tránh được lối dệt vờn khối rất cầu kỳ, tốn nhiều công, mà không tiêu biểu cho phong cách thảm len.

    Từ kết quả tìm tòi sáng tác mẫu ấy, một số thảm mới đã ra đời, sử dụng phương pháp tạo mảng màu phẳng, các màu đan xen và đặt cạnh nhau… khá thành công, trước hết phải nhắc tới các tấm thảm ”Gặp gỡ” (Lê Thanh Đức) và “Vinh quy” (Lê Quốc Lộc), v.v…

    3) Loại thảm phù điêu: Đây là loại thảm xuất hiện từ Triển lãm thảm len thành phẩm và mẫu thảm lần thứ I tại Hà Nội, cách đây 10 năm.

    Thảm phù điêu sử dụng kỹ thuật xén tỉa để diễn tả đường nét, độ cao thấp, nông sâu của khối hình sự vật. Hình tượng biểu hiện trên nền len đã tạo ra cảm giác cho người thưởng thức như đứng trước bức phù điêu truyền thống quen thuộc. Do dùng cách xén tỉa, hình khối trên loại thảm này thiếu sự mềm mại vốn có của len, nhưng lại rất khỏe khoắn.

    Tuy vậy hình thức phù điêu, xén tỉa bằng kéo, tạo ra hình khối gồ ghề không thích ứng với các loại thảm đay, xơ dừa cói… trải sàn – Thảm trải sàn phải dệt thành mặt phẳng, nhất là loại xơ sợi cứng càng phải dệt phẳng hơn.

    Ngày nay, do sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thảm được sử dụng ngày càng nhiều ở trong nước, khả năng xuất khẩu cũng tăng lên – Bên cạnh việc sử dụng thảm, xu hướng chơi thảm cũng phát triển. Do đó, thảm Việt Nam nhất thiết phải đáp ứng được cả yêu cầu thực dụng lẫn yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của người tiêu dùng, nghĩa là thảm vừa mang yếu tố thực dụng nguyên thủy của nó, vừa mang yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật.

Tranh thảm phù điêu hoa sen

    Nói đến chơi thảm, chúng ta cần quan tâm tới nhu cầu về các loại thảm treo tường, thảm tranh. Mà đã là chơi thảm thì yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật dệt tinh xảo bao giờ cũng được coi trọng hàng đầu. Mẫu mã thảm cũng phải luôn thay đổi. Vấn đề tạo mốt không thể xem nhẹ.

    Trước yêu cầu ấy, các họa sĩ và nghệ nhân ”ra mẫu” thảm, nhất là đối với thảm len, đứng trước một khó khăn cần phải vượt qua là tạo ra một phong cách thảm Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc, thích hợp với thị hiếu của khách hàng luôn thay đổi. Nghệ thuật thảm thuộc loại hình nghệ thuật trang trí bằng len và các chất liệu khác. Không gian của tranh thảm mang tính ước lệ, tượng trưng, nhằm gây ấn tượng về không gian như trong tự nhiên thật.

    Nhưng nhìn chung, kỹ thuật thể hiện thảm len và các loại thảm đay, cói, xơ dừa… của ta hiện nay còn rất cổ điển. Những cải tiến, sáng tạo mới của các nhà sản xuất và các nghệ sĩ ngành mỹ thuật công nghiệp thảm do đó rất quan trọng, để sao cho mặt hàng thảm của ta tiếp cận được với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Sự thay đổi về kỹ thuật dệt, cách dệt cùng với các phương pháp xén, tỉa chắc chắn sẽ tạo ra nhiều loại thảm mới, diễn tả được sự vật phong phú, đa dạng và thảm Việt Nam sẽ gần gũi hơn với đời sống xã hội, với hội họa và trở thành một bộ phận của nền văn hóa dân tộc.

    Là mặt hàng thủ công, thảm Việt Nam cũng giống như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, đã thể hiện sâu sắc đặc điểm, phong cách sáng tạo của người thợ Việt Nam, với kỹ thuật sản xuất và bàn tay khéo kéo, tinh xảo của họ. Khéo tay và giàu tính trang trí là hai yếu tố cơ bản của thảm, cũng là nét nổi bật của truyền thống các nghề truyền thống Việt Nam. Các loại thảm, nhất là thảm len của ta có sức hấp dẫn khách hàng quốc tế chính là ở sự tinh xảo về kỹ thuật, tính dân tộc độc đáo và vẻ đẹp của nó.

Theo Bachkhoatrithuc.vn

  Ngày đăng bài: 20/05/2019

  Lượt xem: 2633

  Tác giả: Thảm Len Việt Nam


X
X
0972.552.257